Theo nhiều đại lý bán bảo hiểm nhân thọ, thực tế hiện nay, không ít người dân đang cho rằng, những người bán bảo hiểm nhân thọ là bán hàng... đa cấp.

Vài năm trước, sau khi được một người bạn giới thiệu, qua 3 buổi đi học, trở thành một đại lý bảo hiểm nhân thọ đã khiến cho cô Nguyễn Thị Thành (Từ Liêm, Hà Nội) bỗng trở nên đổi tính, đổi nết, thành một người... sống tình cảm.
Thay cho việc suốt ngày khư khư ở trong "bốn bức tường", trên chiếc xe 82 cũ cô thường xuyên tới thăm người thân bạn bè, rồi kể cả con, cháu của bạn bè...
Những cuộc họp lớp, họp đồng hương trước đây cô hầu như không tham gia thì nay, chỉ cần biết tin hội, họp là cô đến tận nơi, ân cần thăm hỏi mọi người...

Với cô Thành, việc bán bảo hiểm giờ đây, đã mang lại một nguồn thu nhập lớn cho cô và gia đình.
Từ chỗ không biết sử dụng điện thoại di động, máy tính cô đã nhờ con trai mua rồi hướng dẫn sử dụng chi tiết cách gọi, nhắn tin, truy cập mạng internet...
Các số điện thoại được xin, lưu nhiều hơn, những cuộc điện thoại được gọi nhiều hơn, thời gian kéo dài đến cả chục phút, thậm chí nửa tiếng đồng hồ.
Không chỉ ở Hà Nội, những ngày cuối tuần cô còn tranh thủ về quê nội, quê ngoại ở Hưng Yên, Nam Định nói là để thăm viếng bà con hai bên nhưng thực chất là mong muốn mời mọi người mua bảo hiểm nhân thọ.
Các mối quan hệ được cô sắp xếp một cách khoa học, ghi chép cẩn thận ra sổ rồi nhờ đánh, in ra từ máy tính, nào là tên tuổi bố mẹ, các con, số điện thoại, địa chỉ...
Như lời cô, tính sơ sơ đến nay, đã có đến cả nghìn mối quan hệ để phục vụ cho... "nghiệp" của mình. Và từ các mối này, sau 5 năm, gần 200 hợp đồng đã được cô bán.
"Thực tế, đa số các hợp đồng bán được đều là từ những người thân, anh em, bạn bè cả. Tuy phải động viên, thuyết phục nhưng sau khi hiểu họ đều vui vẻ mua và sử dụng cho đến giờ chứ không ai bỏ cả. Cũng nhờ bán được nhiều, mà giờ tôi lên được chức nhóm trưởng chỉ phải quản lý và phát triển đại lý, chứ không cần đi chào mời, thuyết phục mọi người mua bảo hiểm như trước", cô Thành chia sẻ.
Không được may mắn như cô Thành, anh Trần Tuấn Anh (Hà Nam) đã phải nhanh chóng từ bỏ công việc tư vấn bán bảo hiểm nhân thọ cho một hãng có tiếng của nước ngoài ở Việt Nam chỉ sau chưa đầy 2 tháng tham gia.
Theo lời anh Tuấn Anh, lúc đầu, nghe người ta giới thiệu về cách tư vấn, bán bảo hiểm rất đơn giản lại được hưởng mức hoa hồng cao đến 30 - 40%, ngoài ra còn hỗ trợ thêm một số khoản. Nghe hợp lý, anh bắt đầu làm nhưng làm rồi mới thấy là không đơn giản chút nào.
"Họ yêu cầu học xong, mỗi người phải có ít nhất 3 - 5 hợp đồng nhưng vừa gọi cho mấy người, chưa kịp nói gì nhiều đã bị mắng té tát, nào thì lừa lọc, nào thì bán hàng đa cấp à. Có người còn nói mỉa, cử nhân đại học công nghệ như mày mà lại sống bằng nghề... buôn nước bọt à.
Mời mãi chẳng được ai mua, cho nên người mua đầu là chính mình và người mua cuối lại là bố mẹ. Chán quá mà tiền nong thu được chẳng đáng là bao so với công bỏ ra nên đành bỏ", anh Tuấn Anh cho hay.
Khi bảo hiểm bị coi là hàng... đa cấp
Thực tế, khi trò chuyện với PV, chị Nguyễn Mai Hoa, một người có thâm niên bán bảo hiểm lâu nằm và khá thành công ở địa bàn Hà Nội cũng thẳng thắn chia sẻ không ít nỗi khó khăn của nghề bán bảo hiểm nhân thọ hiện nay.
"Đứng về phía doanh nghiệp thì việc Nhà nước mở cửa cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vào nhiều khiến cho sự cạnh tranh, thậm chí không lành mạnh diễn ra, trong khi thị phần của nhiều hãng bị thu hẹp lại.
Còn về phía các đại lý bán bảo hiểm nhân thọ, thì đúng là trước đây, tuy mới nhưng việc bán có phần nào đó dễ dàng hơn còn bây giờ thì khó khăn đúng là nhiều.
Trước hết là do kinh tế đi xuống, kéo theo các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ cũng đi xuống và không ngoại lệ đối với bảo hiểm nhân thọ. Nhiều gia đình đã đi rút bảo hiểm nhân thọ dù rằng chỉ lấy lại được ít tiền. Họ thà làm thế còn hơn là phải đóng bảo hiểm trong vòng 10 năm liền vì lương, thưởng bị cắt, giảm...", chị Hoa bày tỏ.

Cũng theo chị Hoa, thực tế hiện nay, do nhận thức nên không ít người còn coi bảo hiểm nhân thọ giống như hàng đa cấp nên chính điều này đã làm người bán càng thêm khó khăn
"Nếu nói khó nhất hiện nay có lẽ là việc bảo hiểm nhân thọ cũng bị không ít người hiểu nhầm, coi như mặt hàng đa cấp. Mà thực tế, hàng đa cấp trong thời gian qua do làm ăn không chuẩn nên đã bị người dân tẩy chay mạnh. Điều này, khiến niềm tin của người dân với các sản phẩmbảo hiểm nhân thọ bị giảm sút.
Thêm vào đó, bảo hiểm nhân thọ có câu: Bạn - bàn - bán. Trước khi bán bảo hiểm nhân thọ thì phải là bạn của khách hàng mà muốn là bạn thì đại lý phải thường xuyên gọi điện trao đổi với khách hàng.
Tuy nhiên, việc trao đổi theo kiểu bám sát, bám tới cùng, cách nói chuyện, giới thiệu chưa đúng, chưa chuẩn của một số đại lý lại gây tác dụng ngược, khiến người dân mất lòng tin...", chị Hoa nhấn mạnh.
Chị Hoa cũng cho rằng, nhiều người nói bán bảo hiểm nhân thọ như nghề đi câu là đúng nhưng chưa chính xác. Bởi đi câu bao giờ cũng nghĩ lợi cho mình còn bán bảo hiểm thì phải nghĩ lợi cho khách hàng, trước khi nghĩ lợi cho mình thì mới mong bán được nhiều.
"Phải đặt quyền lợi khách hàng lên trên. Người tư vấn khi xây dựng gói tư vấn bảo hiểm cho khách hàng nên nghiên cứu kĩ gia cảnh, tính cách của khách hàng để đưa ra một gói tư vấn hợp lí, chứ không phải cứ làm một gói mà theo tính toán của mình sẽ có lợi cho mình. Hơn nữa, hãy quan tâm khách hàng một cách thật tâm. Hãy nghĩ đến công ty khi đi làm bảo hiểm chứ đừng nghĩ đến trục lợi cho bản thân", chị Hoa nói.

Post a Comment Blogger

 
Top